hnt@hieunghiathinh.com.vn
Hotline: 0918 27 47 90
0 1 2 3 4 5
bóng slider

TĂNG CƯỜNG TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ NGÀNH CHĂN NUÔI BÒ SỮA

( 05-06-2015 - 09:09 PM ) - Lượt xem: 2914

Trung tâm Khuyến Nông TPHCM
TĂNG CƯỜNG TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ NGÀNH  CHĂN NUÔI BÒ SỮA

     Chăn nuôi bò sữa là ngành sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đầu ra của sản phẩm sữa được bao tiêu bởi các doanh nghiệp như Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Friesland Campina, Công ty Vixumilk,… và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển. Những năm gần đây sản xuất chăn nuôi nói chung gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng, dịch bệnh gia súc diễn biến phức tạp, song bò sữa vẫn được bà con nông dân phát triển góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các địa phương.
     Tính đến thời điểm tháng 12/2013, tổng đàn bò sữa tại TPHCM đạt 99.451 con, chiếm 53,43% tổng đàn bò sữa cả nước, trong đó đàn cái vắt sữa là 46.580 con (chiếm 46,67%), được nuôi tại 8.352 hộ dân, 1 trại thực nghiệm và 1 doanh nghiệp Quốc doanh. Năng suất sữa bình quân đạt 15,23 kg/con/ngày (4.645 kg/con/305 ngày); sản lượng sữa tươi khoảng 257.576 tấn (chiếm trên 60% sản lượng sữa cả nước); cơ cấu đàn sinh sản chiếm 62,57% tổng đàn, trong đó 47,22% cái vắt sữa.
     Để phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố ngày càng bền vững và ổn định, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, ngày 12/9/2011 UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4320/2011/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa”, nhằm hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa áp dụng các tiến bộ KHKT, cơ giới hóa để tiết kiệm chi phí sản suất, công lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả, đáp ứng theo nền chăn nuôi đô thị, khan hiếm lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông triển khai đề án tại 04 địa bàn trọng điểm chăn nuôi bò sữa gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12-Gò Vấp, Bình Chánh-Bình Tân, với các hạng mục như sau:
     Hạng mục 1: Hỗ trợ đầu tư thiết bị khai thác và bảo quản sữa (máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, bình nhôm chứa sữa). Đối tượng: hộ chăn nuôi có quy mô từ 20 con đến d​ưới 50 con/ hộ.

    Image result for vat sua bo

     Máy vắt sữa bò

    Hạng mục 2: Hỗ trợ đầu tư thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, gồm:
     * Máy băm thái cỏ có trục cuốn. Đối tượng: hộ chăn nuôi có quy mô từ 20 con đến dưới 50 con/ hộ và có đồng cỏ thâm canh.

      

Máy băm thái cỏ

     * Máy trộn thức ăn TMR 1 pha quy mô nông hộ. Đối tượng: hộ chăn nuôi có quy mô trên 50 con/ hộ và có đồng cỏ thâm canh.

  Máy trộn thức ăn TMR kết hợp máy băm cỏ

   Hạng mục 3: Hỗ trợ hệ thống làm mát chuồng trại và thiết bị đo nhiệt độ - ẩm độ. Đối tượng: hộ chăn nuôi có quy mô từ 20 con/ hộ.

Hệ thống phun sương chuồng trại.

     Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc, thiết bị và 50% chi phí mua thiết bị còn lại nông dân có thể trả dần trong thời gian 6 tháng (không tính lãi suất cho doanh nghiệp cung cấp (Công ty Hiếu Nghĩa Thịnh - đơn vị trúng thầu). 

     Bước đầu thực hiện đề án đã nhận được sự ủng hộ cao từ phía lãnh đạo các quận, huyện và đông đảo nông dân chăn nuôi bò sữa tại 04 địa bàn trọng điểm phát triển chăn nuôi bò sữa thành phố, đã có 324 hộ nông dân ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 đăng ký tham gia đề án (30 xã, 5 phường) với 180 máy vắt sữa đơn (1 con/1 lần vắt), 33 thiết bị rửa máy vắt sữa, 559 bình nhôm chứa sữa loại 20 lít/bình, 13 máy băm thái cỏ có trục cuốn (công suất 2 tấn/giờ), 1 máy trộn thức ăn TMR loại 1 pha, 50 hệ thống làm mát chuồng trại cho diện tích 150m2 và thiết bị theo dõi nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi. Đề án góp phần đi vào chuyên nghiệp hóa trong chăn nuôi kết hợp cơ giới hóa, chuyên nghiệp hóa người chăn nuôi, tiết kiệm công lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa. Cụ thể, 
     + Đối với thiết bị khai thác và bảo quản sữa gồm: máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa và bình nhôm chứa sữa. Trong đó, việc áp dụng máy vắt sữa đã giúp giảm chi phí công lao động, hạn chế nhiễm vi sinh trong quá trình vắt sữa, rút ngắn thời gian vắt sữa từ 10 - 12 phút/con/lần vắt xuống còn 5 - 7 phút/con/lần vắt, nâng cao sản lượng sữa bình quân từ 0,2 – 0,4 kg sữa/con/lần vắt, do máy hoạt động phù hợp với sinh lý và thời gian tiết sữa của bò, chất lượng sữa đáp ứng yêu cầu của nhà thu mua, bình quân vật chất khô 12%, béo trong sữa 3,5%. Bên cạnh đó, còn giúp cho nông hộ chủ động trong việc quản lý quy trình khai thác sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ bò bị viêm vú, nhất là viêm vú tiềm ẩn, hạn chế khả năng lây nhiễm vi sinh từ môi trường vào sản phẩm sữa để bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và người tiêu dùng qua việc khai thác và sử dụng nguồn sữa trong môi trường chăn nuôi hợp vệ sinh, đảm bảo thời gian giao sữa đúng quy định của nhà thu mua sữa. Trong đó, số hộ có nhu cầu được hỗ trợ đầu tư máy vắt sữa đơn là 180 máy/ 180 hộ, chiếm số lượng cao nhất là huyện Củ Chi gồm 117 máy/ 117 hộ; huyện Hóc Môn là 51 máy/ 51 hộ; quận 12 là 11 máy/ 11 hộ và huyện Bình Chánh gồm 1 máy/ 1 hộ.  
     Ngoài ra, các hộ đều thực hiện tốt việc vệ sinh dụng cụ sau khi vắt sữa bằng thiết bị rửa máy vắt sữa hoặc bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, việc trang bị thiết bị rửa máy vắt sữa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế mầm bệnh tồn đọng trong các dụng cụ vắt sữa, là nguy cơ gây bệnh viêm vú trên bò và đáp ứng được chỉ tiêu vi sinh sữa của nhà thu mua, chưa được nông hộ quan tâm đúng mức, số hộ có nhu cầu được hỗ trợ đầu tư chiếm tỷ lệ thấp gồm 33 thiết bị rửa máy vắt sữa/ 33 hộ tham gia đề án. Trong đó, huyện Củ Chi gồm 22 thiết bị rửa máy vắt sữa/ 22 hộ; huyện Hóc Môn là 10 thiết bị rửa máy vắt sữa/ 10 hộ; quận 12 là 1 thiết bị rửa máy vắt sữa/ 1 hộ.  
     Trong năm 2013, số hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 đăng ký hỗ trợ bình nhôm chứa sữa gồm 127 hộ, chiếm 559 bình nhôm nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà thu mua, giúp bảo quản sữa tốt hơn, thuận tiện cho việc vận chuyển và vệ sinh.  
     + Đối với thiết bị chế biến thức ăn gồm: máy băm thái cỏ và máy trộn thức ăn TMR chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, do vậy chưa tận dụng hết lượng cỏ xanh hàng ngày, nhất là các gốc cỏ già, cứng, gây lãng phí nguồn thức ăn thô xanh hiện đang khan hiếm, ảnh hưởng đến khả năng thu nhận thức ăn, giảm hiệu quả tiêu hóa thức ăn đồng thời ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sữa, thể trạng của bò và không khai thác hết tiềm năng con giống chất lượng cao. Trong năm 2013, số hộ có nhu cầu được hỗ trợ loại thiết bị này chiếm tỷ lệ rất thấp gồm 13 máy băm thái cỏ có trục cuốn/ 13 hộ (Củ Chi: 8 máy, Hóc Môn: 3 máy, quận 12 là 2 máy) và 1 máy trộn thức ăn TMR 1 pha/ 1 hộ (Củ Chi).
     + Đối với hệ thống làm mát chuồng trại: giúp cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với sinh lý của bò, giảm nhiệt độ bên trong chuồng từ 3oC – 5oC so với ngoài trời, giảm stress nhiệt cho đàn bò sữa, hạn chế khí thải là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, đảm bảo sức khỏe đàn bò kể cả khi nhiệt độ môi trường tăng cao, góp phần giảm chi phí thuốc thú y, tăng sản lượng và chất lượng sữa. Tổng số hộ tham gia đề án có nhu cầu được hỗ trợ hệ thống làm mát là 50 hộ/ 50 hệ thống, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Củ Chi gồm 30 hệ thống/ 30 hộ, Hóc Môn 10 hệ thống/ 10 hộ, Bình Chánh 9 hệ thống/ 9 hộ và quận 12 là 1 hệ thống/ 1 hộ. 
     Từ kết quả đạt được cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa đã khắc phục tình trạng khan hiếm lao động trong nền nông nghiệp đô thị hiện nay, tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sữa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa. Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông TPHCM tiếp tục triển khai đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa”, tại các địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12-Gò Vấp, bình Chánh-Bình Tân để đẩy nhanh chương trình ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu chăn nuôi bò sữa góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của giống bò cao sản, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sữa, giảm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả lao động trong chăn nuôi bò sữa ở TPHCM, nhằm xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp.